Ngày 31/12/2010 là hạn chót để các ngân hàng cổ phần tăng vốn lên ít nhất 3.000 tỷ đồng. Để đáp ứng quy định này, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đồng ý cho Ngân hàng TMCP Gia Định tăng vốn điều lệ năm 2010 từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn này được thực hiện bằng việc phát hành cổ phần phổ thông có ghi tên, mệnh giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài
Thống đốc NHNN cũng vừa đồng ý việc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) tăng vốn điều lệ năm 2010 từ 1.550 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. HDBank sẽ thực hiện tăng vốn chia làm 2 giai đoạn: Tăng từ 1.550 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1,16; Tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 950 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:1,425, cho CBCNV là 50 tỷ đồng và đối tác chiến lược là 500 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN có công văn chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ năm 2010 của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OJB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB). Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc SeABank tăng vốn điều lệ từ 5.068 tỷ đồng lên 5.334 tỷ đồng; chấp thuận việc OJB tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và chấp thuận việc MB tăng vốn điều lệ từ 5.300 tỷ đồng lên 7.300 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2010.
Có thể thấy, ngoài việc tăng vốn để đạt được mức quy định của Nhà nước về vốn điều lệ tối thiểu, các ngân hàng TMCP tăng vốn nhằm có được lượng vốn lớn trước khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược hoặc tăng vốn để mở rộng qui mô hoạt động, nâng cao tính cạnh tranh... Các ngân hàng tăng vốn qua nhiều hình thức khác nhau: phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông, cán bộ - nhân viên hoặc cho đối tác chiến lược.
Theo một số chuyên gia kinh tế, mục tiêu vốn điều lệ lên tới 3.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm đối với những ngân hàng nhỏ sẽ không dễ. Do đó, các ngân hàng nên chủ động lên kế hoạch gọi vốn từ các cổ đông nước ngoài, không nên quá phụ thuộc vào cổ đông trong nước. Bởi hiện tại, cổ phiếu ngành ngân hàng không còn là “cổ phiếu vua”.